Các nhóm Thực_vật_không_mạch

Thuật ngữ thực vật không mạch hiện nay ít được dùng trong danh pháp khoa học. Thực vật không mạch có thể chia thành 2 nhóm chỉ có quan hệ họ hàng xa:

  • Rêu (Bryophytes) – là nhóm chứa các loài rêu, chia thành 3 nhóm nhỏ như Bryophyta (rêu "thật sự"), Marchantiophyta (rêu tản), và Anthocerotophyta (rêu sừng). Trong các nhóm này, thành phần chủ yếu là dạng thể giao tử đơn bội, với phần lưỡng bội duy nhất là thể bào tử đính kèm, bao gồm cuống và túi bào tử. Do chúng thiếu các mô truyền dẫn nước nên chúng không thể có độ phức tạp về cấu trúc cũng như kích thước như của thực vật có mạch.
  • Tảo (Algae) – đặc biệt là tảo lục. Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng tảo trên thực tế là tổ hợp của một vài nhóm sinh vật không có quan hệ họ hàng gì. Đặc trưng chung của chúng chỉ là sinh sống dưới nước và có cơ chế quang hợp đã bị hiểu nhầm như là chỉ thị về mối quan hệ họ hàng gần gũi. Trong số này, chỉ có tảo lục là vẫn còn được coi như là các họ hàng gần của thực vật.

Các nhóm này đôi khi được gọi chung là "thực vật bậc thấp"; trong đó từ "bậc thấp" dùng để chỉ tới địa vị của chúng như là các thực vật đã tiến hóa và rẽ nhánh ra sớm nhất. Tuy nhiên, thuật ngữ thực vật "bậc thấp" là không chính xác, do nó thường hay được dùng để bao gồm cả một phần của thực vật có mạch, như dương xỉ và các họ hàng gần của nhóm này.

Trong quá khứ, thuật ngữ thực vật không mạch không chỉ bao gồm toàn bộ tảo mà còn bao gồm cả nấm. Hiện nay, người ta đã công nhận rằng các nhóm này không không có quan hệ họ hàng gần với thực vật và chúng có các đặc tính sinh học rất khác biệt.